Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Cảm nhận phim Hugo - Mỗi cuộc đời là một cỗ máy

Một trong những nỗi bất hạnh của bạn là chưa bao giờ biết đến hành trình của Hugo Cabret.


Blog cảm nhận phim

Thời lượng: 126 phút
Ngày công chiếu: 23/11/2011 (2D/3D)
Studio: Paramount Pictures
Đạo diễn: Martin Scorsese
Kịch bản: John Logan
Diễn viên: Asa Butterfield, Chloe Grace Moretz, Sacha Baron Cohen, Ben Kingsley...
Thể loại: Phiêu lưu | Kịch | Giả tưởng
Một trong những ứng cử viên nặng ký tranh giải Oscar lần thứ 84 năm nay với 11 hạng mục được đề cử. Hugo được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Brian Selznick - The Invention of Hugo Cabret (tạm dịch: Phát minh của Hugo Cabret). Bản 3D chỉ phát hành ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.





Blog cảm nhận phim


Hugo không phải là phim tranh giải Oscar năm nay tôi được xem, không phải đầu tiên, càng không phải cuối cùng, nếu tôi thích Midnight In Paris nhất, vì nó mang đậm tính nhân văn, đánh thức được lòng yêu mến Văn học trong tôi thì Hugo sẽ là phim thứ hai tôi muốn đề cập - tôi thừa nhận, tôi không hiểu hết được chất Hàn Lâm trong phim, song đứng trên cương vị một người thích xem phim và một người từng trải qua tuổi 12 như Hugo Cabret tôi thật sự muốn dấn mình vào cuộc phiêu lưu của cậu.

Nếu thế giới là một cỗ máy khổng lồ thì mỗi con người chúng ta là một bộ phận nhỏ, phải liên quan mật thiết đến nó, không một bộ phận thừa nào xuất hiện trong một cỗ máy, chúng phải có nhiệm vụ, chức năng, dù nhỏ nhoi hay to lớn. Tôi mường tượng lại câu nói của Hugo với Isabella trên tháp đồng hồ nhà ga Paris những năm 30 của thế kỷ trước khi cả hai đứa trẻ ngắm tháp Eiffel.


Blog cảm nhận phim


Tôi rất thích hiệu ứng hình ảnh của Hugo và tôi nghĩ nếu có cơ hội được xem 3D hẳn là điều thú vị nhất từng có với phim ảnh. Tất cả đổ đầy những lớp màu Photoshop, chúng tràn nền, lem luốc, len lỏi đến cả những nhân vật trong phim. Thế giới trong phim mang màu sắc của cổ tích, của những điều mà khi mơ, bạn mới thấy được chúng. Những góc quay từ trên cao không khiến bạn hoảng sợ, bạn muốn đạp lên từng hạt tuyết nhỏ và đáp nhẹ xuống Khải Hoàng Môn, lướt ngang dọc phố phường đến nhà ga Paris để có thể gặp Hugo và cùng cậu bước vào hành trình bí mật.


Blog cảm nhận phim


Hugo là một đứa trẻ có năng khiếu với những chiếc bánh răng, với những bộ máy đồng hồ, cậu thừa hưởng niềm đam mê và năng khiếu từ cha cậu. Một lần trông coi bảo tàng, cha Hugo đã phát hiện ra một con robot biết viết nhưng mọi bộ phận bên trong đã bị hư và thiếu chìa khóa khởi động. Một ngày nọ khi Hugo hì hục sửa con robot, ông bác Claude gõ cửa báo tin cha cậu đã qua đời trong vụ hỏa hoạn tại bảo tàng. Thế giới trong Hugo chao đảo. Từ đó, không ai biết nó trú ngụ ở đâu ngoại trừ Claude.


Blog cảm nhận phim


Hugo đã dấn thân vào chuyến phiêu lưu lớn nhất của đời người khi nó ăn cắp một con chuột đồ chơi ở cửa tiệm nhỏ trong nhà ga, cùng cô bé Isabella cả hai đi tìm những câu hỏi lớn về cuộc hành trình của đạo diễn lừng danh Georges Méliès - đã bị chiến tranh và quá khứ vùi chôn trong bão thời gian.

Tôi chưa có thời gian cũng như điều kiện cầm quyển truyện của nhà văn Selznick trên tay, tôi không thể so sánh với nguyên tác, tuy nhiên Hugo là ứng cử viên sáng giá ở hạng mục: Kịch bản chuyển thể hay nhất hẳn đó là một thành công lớn. Bên cạnh đó phim còn vinh dự nằm trong 9 phim tranh giải Phim hay nhất cùng 9 hạng mục khác. Đây là một bộ phim rất rất tốt ở mọi mặt. Tôi đã được xem vài phim lấy Paris làm bối cảnh chính, suốt phim lúc nào cũng du dương những giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, nó giúp ta thanh thản, thấy đời thật hồn nhiên và vô tư, Hugo cũng thế. Bên cạnh đó, không chỉ diễn xuất của hai diễn viên nhí tuyệt vời mà tất cả các diễn viên phụ khác làm ta như sống trong thế giới của Hugo, chân thật đến mức bạn như được ở đó chứng kiến tất thảy mọi thứ. Đây là một bộ phim không tì viết, tuy nhiên bọn trẻ khó lòng nắm bắt được đại ý của phim, một bộ phim Hàn Lâm. Một chi tiết tôi không rõ đó là cái chết của cha Hugo, phim trình diễn quá ngắn gọn, có thể với hơn 120 phút đó là điều dễ hiểu, phim cần tập trung ở điều cốt lõi muốn thể hiện.


Blog cảm nhận phim


Phim gắn liền với hình ảnh những bánh răng trong mỗi bộ máy đồng hồ, chúng tồn tại muôn mặt trong cuộc sống, mỗi bánh răng phải chăng là mỗi cuộc đời, chúng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên nhau, để làm chuyển động, thay đổi một con người. Mỗi con người liệu có phải là những bánh răng, tự chuyển động và tự tác động có ý thức hoặc vô thức lên những con người khác trong xã hội. Một xã hội luôn vận động với hàng loạt giả thuyết, nguyên nhân và kết quả.


Blog cảm nhận phim


Tôi đã nói tôi không hiểu thấu đáo về phim nhưng tôi cũng nhận ra được những triết lý phim muốn gửi đến toàn thể khán giả. Chúng ta không hoàn hảo hoặc hoàn hảo, đó không phải là điều quan trọng, điều quan trọng chúng ta đã sống một cuộc đời như thế nào? Điều đó hơn cả cái kết mà ta đạt được. Phim ca ngợi sự đổi mới trong suy nghĩ của con người. Xã hội luôn phát triển, hãy thả trí tưởng tượng của bạn bay thật cao, thật xa để biến nó thành hiện thực bằng sức lao động và đam mê. Điện ảnh trong Hugo từng được cho là không thể phát triển, trò ảo thuật ba xu, nhưng nếu có nhiệt huyết, bạn sẽ khai sinh ra một kỷ nguyên mới. Thời gian làm bạn già cõi ở thân xác và tâm trí nhưng bạn có thể vực dậy tất cả. Miễn bạn vẫn cho mình cơ hội. Hãy sống cùng giấc mơ của tôi.


Blog cảm nhận phim


Tôi còn tìm thấy những điều có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, nhưng tôi dành nó cho bạn. Bạn có xem phim, bạn có suy tư, bạn có hoài niệm và đặt mình vào đó để nhận thấy những giá trị đời thường nhưng điện ảnh đã mang đến cho bạn hơn cả tính giải trí. Điều cuối cùng tôi muốn nói, tôi không nói quá về Hugo, chỉ trách bạn xem như không xem.

Đánh giá cá nhân:

- Kịch bản: 9.5/10
- Hình ảnh: 10/10
- Diễn xuất: 10/10
- Âm thanh: 9/10
- Kỹ xảo: 9/10

PS. Trong các phim tranh giải Oscar lần thứ 84 đã xem thì Midnight in Paris là phim tôi thích nhất và đánh giá là dễ xem nhất, Hugo là phim thứ hai. Nếu không mê Văn học, tôi sẽ thích Hugo nhất. Các phim còn lại hơi khó xem. Xem phim dễ, nhưng có ngộ ra được vấn đề đó mới là điều quan trọng.

hoquoctri-hdvnbits


Không có nhận xét nào: