Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Cảm nhận phim Tree of Life - Những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời qua lăng kính huyền bí

Có ai đã từng dạo bước một mình, ngước nhìn tán cây, ngọn cỏ hay những chú chim đang tung sải cánh trên bầu trời xanh ngắt kia và tự hỏi “Cuộc sống này bắt đầu từ đâu, nó kết thúc thế nào? Điều gì sẽ tới với mình, sẽ tới với anh ấy, cô ấy…”



Bước vào nghiệp làm phim từ một nhà diễn giả triết học, Terrence Malick luôn đem đến cho điện ảnh thứ ngôn ngữ đầy tính ẩn dụ nhưng không kém phần thơ. Tree of Life (Cây đời) – giống như một “bán tự truyện” về cuộc đời của ông - vẫn mang phong cách “2 trong 1” - điện ảnh - thơ - của Terrence Malick, vốn từng gây dấu ấn đậm nét trong những tác phẩm trước đó như Days of Heaven (1978), The Thin Red Line (1998) hay The New World (2005)...









Truyện phim mở đầu bằng những lời trích dẫn to tát từ Sách Job (một trong những cuốn Kinh thánh Hebrew) “Người ở đâu khi ta tạo nên trái đất? Khi những ngôi sao mai hòa ca, và tất cả con của chúa trời cùng hét lên trong niềm vui sướng?” đã có tác dụng ngay lập tức, tác dụng lên toàn bộ khán giả về một thế giới đầy bí ẩn và tâm linh. Để rồi tiếp theo là câu hỏi của người phụ nữ mất con đầy tự sự cá nhân “Đức Chúa Trời, tại sao? Người đã ở đâu? Chúng con là gì với người?”. Bộ phim dài 139 phút, biết bao câu hỏi tương tự như vậy được đặt ra, được thốt lên hay thậm chí từ vô thức bột phát. Nhưng không hề có bất cứ câu trả lời nào…







20 phút đầu tiên – Khúc dạo đầu - Malick gần như chỉ dùng để “tái tạo” lại trái đất, tái tạo lại sinh vật và tái tạo lại con người. Những hình ảnh đẹp lạ thường đến mê hoặc choáng ngợp về sự hình thành vũ trụ: những vì sao ở thiên hà. Những luồng sáng lạ kỳ. Những tế bào phân chia, núi lửa phun trào. Những con sứa trôi lờ lững. Bầy khủng long, thiên thạch rớt. Con mắt phôi thai, một đứa trẻ ra đời. Và câu chuyện về một gia đình bình thường - với người cha khắc nghiệt (Brad Pitt) và người mẹ hiền lành như một thiên sứ (Jessica Chastain) nuôi dạy ba cậu con trai - ở bang Texas, Hoa Kỳ trong những năm 1950 bắt đầu từ đó. 









“Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ” - đó phải chăng là cụm từ duy nhất có thể hoàn toàn diễn đạt được cảm xúc của 40 phút tiếp theo? Thật vậy, khi đứa con trai đầu lòng chào đời, Mr. O’Brien (Brad Pitt) đã không thể ở bên làm chỗ dựa cho người vợ trẻ của mình, chỉ vì anh bận công tác xa nhà. Liệu đấy là dấu hiệu trước tiên cho những sung đột (nhiều nhất) giữa Brad Pitt và cậu con cả sau này? Sự xuất hiện của một sinh linh bé nhỏ dường như đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình O’Brien. Hình ảnh Brad Pitt và Jessica xuất hiện nhiều hơn. Dòng thời gian vẫn cứ trôi theo sự “dài lên và to ra” của cậu nhóc. Rồi thêm một đứa bé nữa, đứa con thứ 2 rồi thứ 3 trong gia đình lần lượt xuất hiện. Hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng tới vô ngần. Hình ảnh Cây Đời cũng được xuất hiện lần đầu tiên ở đây với cảnh cả gia đình Brad Pitt đang vui đùa hạnh phúc nơi sân vườn. Vẫn là những góc máy đầy nghệ thuật, những khuôn hình “đi thẳng vào lòng người, sau đó đọng lại mãi”. Những vần thơ của Terrence Malick cứ thế dần dệt nệt một bức tranh đa chiều.







Đáng tiếc, sự êm ả đó chỉ vỏn vẹn trong 20 phút để rồi sau đó toàn bộ là một sự hỗn độn, u ám, lạc lõng và bất lực. Trường đoạn phim là những mảnh vỡ hồi ức rời rạc mong manh của Jack (người con cả) về thời thơ ấu của anh khi anh nghĩ về cái chết của cậu em trai, về mối quan hệ giữa đứa con trai và người cha. Jack như cố tìm hiểu vì sao nỗi đau của cuộc đời này lại xảy ra với những người tốt, khi mà mẹ anh, qua lời dẫn truyện, đã nói “Các bà sơ dạy chúng ta rằng không ai sống vị tha phải chịu một kết cục xấu...” Cũng vì lẽ đó, Jack đã sống không còn niềm tin trong bao nhiêu năm và lạc lõng trong một thế giới hỗn độn, vẫn phân vân trước chọn lựa con đường mà mẹ anh từng dạy “Có hai cách sống trong cuộc đời này - cách của Tự Nhiên và cách của lòng Vị Tha. Vị Tha là con đường dung thứ, chấp nhận mọi sự xúc phạm và tổn thương, trong khi Tự Nhiên là cách tự vệ, khát khao quyền lực và không quan tâm đến cảm xúc của người khác”







40 phút tiếp theo, vẫn là hồi ức, vẫn là gẫy khúc nhưng ít ra nó dễ hiểu và giúp người xem nắm bắt thêm toàn bộ nội dung của bộ phim. Từ khi Brad Pittmất việc, gần như bước ngoặt đã xẩy ra, người cha ôn hòa hơn, nhẹ nhàng hơn và hiểu cảm xúc của lũ trẻ hơn. “Tree of Life” thể hiện rõ ràng nhất quan điểm nghệ thuật của Malick, thường xoay quanh những con người lạc lối trong sự hỗn độn của thế giới, và ý nghĩa (hoặc sự vô nghĩa) của mọi thứ trên đời. Trong tác phẩm này, ông đã loại bỏ phần cốt truyện và thay vào đó tạo nên những hình ảnh cuốn hút đầy chất thơ. Có những nhân vật trong “Tree of Life,” nhưng không giống như các tác phẩm khác của Malick, có rất ít những gợi ý cho một cốt truyện liền mạch.







Thời gian còn lại của phim tập trung chủ yếu xoay quanh mối hoài nghi, đức tin của con người vào những đấng cứu thế. Nhưng cuối cùng chốt lại, họ vẫn là chỗ dựa tâm linh vững trãi nhất, bình yên nhất cho con người. Malick sử dụng lại một chút hiệu ứng trong cảnh kết lạ lùng của phim, gồm một cảnh quay ngắn gọn sự suy tàn của Trái Đất, và một cảnh khó hiểu quay những linh hồn lạc lối đi lang thang trên một bãi biển tràn đầy ánh nắng. Cảnh cuối này đưa chúng ta trở về với văn minh cùng một viễn cảnh mới, nhưng không có câu trả lời dễ dàng được đưa ra.









Nói cho cùng, Tree of Life là một phim kén người xem và khá đúng với nhiều ý kiến cho rằng “những phim đoạt giải Cannes rất khó xem”. Khán giả sẽ dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng, khó hiểu và thậm chí đôi chút tức tối với hầu hết cảnh quay đứt gẫy, rời rạc không liền mạch. Nhưng có lẽ đó là ẩn ý sâu sa của vị đạo diễn tài ba, muốn đưa tới cho người xem 1 cái nhìn mới mà cũ, nó ở ngay trong bất kỳ chúng ta. Chẳng cứ Thiên Chúa Giáo, nếu bạn là môn đệ của Phật Giáo, Đạo Giáo, Hồi Giáo.. đi chăng nữa, ắt hẳn sẽ có phần nào đó trong bạn hoặc gia đình bạn được tìm thấy khi xem Tree of Life.







Có phải bạn thường mơ hồ, lững thững trong mớ ký ức hỗn độn của mình, cái này tới trước, cái kia về sau. Đó chính là Tree of Life. Bù lại, âm nhạc trong phim là thứ dễ dàng được chấp nhận, nó hay tới mức không tưởng - dịu dàng, lôi cuốn khiến khán giả “phê” khi nghe nhạc và “tê” khi theo dõi hình ảnh.


Không có nhận xét nào: